Đồ hoạ của Armies of Exigo khá tuyệt nhờ được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến. Mở màn, bạn sẽ bị cuốn hút bằng những thước phim giới thiệu vô cùng hoành tráng. Bạn sẽ được xem trân chiến Rage long trời lở đất của loài người và quái vật bằng những cảnh phim được đầu tư kỹ lưỡng, hấp dẫn đấn nghệt thở. Khi bước vào trò chơi, mỗi vùng đất là một cảnh khác nhau với v
Năm 2004, bên cạnh những trò chơi chiến thuật đỉnh cao vẫn còn sức thu hút mạnh mẽ như Warcraft, Starcraft hay Age of Empires thì một số trò chơi được dự đoán là những game chiến thuật của tương lai đã xuất hiện với những công nghệ đồ hoạ không ngừng "hớp hồn" gamer: Warhammer 40K: Dawn of War; Lord of The Rings Battle for Middle Earth; và Armies of Exigo (ArOE) là những game được xếp vào hàng ngũ có triển vọng nhất.
Đế chế suy tàn trỗi dậy
ArOE lấy ý tưởng cốt truyện dựa trên mối thù truyền kiếp giữa hai chủng tộc Human và Beast trên vùng đất ngàn năm linh thiêng - Noran. Loài quái vật muốn chiếm lại Noran, nơi mà theo chúng vốn là của tổ tiên trước kia. Còn loài người để sinh tồn, buộc phải chống trả những đợt tấn công của phe Beast trong suốt hàng trăm năm qua. Trận đụng độ khủng khiếp nhất mà sử sách con người còn ghi chép lại là trận giao tranh Rage xảy ra cách đây năm trăm năm. Cả hai phe Beast và Human đã dồn toàn bộ lực lượng vào trận đánh này. Giao tranh nổ ra dữ dội khiến đôi bên đều tổn thất nặng nề. Kết quả phần thắng nghiêng về phe con người, họ tạo ra ba tấm bùa trấn yểm bảo vệ vùng đất thiêng Noran, đẩy lùi bọn quái vật về hoang mạc Burning Lands ở phía Tây, từng bước gầy dựng lại cuộc sống yên bình... Thời gian dần trôi, vùng đất Noran đã được con người phát triển thành một thành lũy vững chắc nhưng mối đe dọa từ hoang mạc phía Tây của loài quái vật không vì thế mà mất đi. Thế nhưng, nguy cơ nổ ra cuộc chiến thứ hai giữa con người và quái vật lại không phải là mối hiểm nguy tiềm tàng duy nhất sau hơn năm trăm năm. Ân sâu bên dưới lớp đất tồn tại một chủng tộc thứ ba - Fallen - mang theo tham vọng thống trị mặt đất và tàn sát toàn bộ những ai cản đường chúng bằng sức mạnh kỳ lạ chưa từng được biết đến. Mục tiêu của phe Fallen là phá vỡ ba tấm bùa trấn yểm để giải thoát cho Ageless Ancients, thủ lĩnh của chúng, và để ma thuật của tên yêu quái này bao trùm trái đất.
Trong khi đó, con người và quái vật không hề hay biết sự hiện diện của phe Fallen hay nghi ngờ về sự hủy diệt trước mắt. Cả hai vẫn miệt mài chuẩn bị cho trận sinh tử thứ hai cho đến khi Alric và Dragga, hai anh hùng của hai chủng tộc, nhận thức được mối đe dọa này...
Những nét chính
ArOE thuộc thể loại game chiến lược thời gian thực (RTS), với 3 chủng tộc chính: Human, Fallen, Beast (khá giống chủng Orc nhưng bạn đừng nhầm lẫn với Orc của Warcraft vì khi chơi bạn sẽ biết Beast và Orc là hai kẻ thù không đội trời chung) và một vài chủng tộc khác do máy điều khiển như Lizardmen, Trolls... Với mỗi chủng tộc, người chơi sẽ xây dựng khoảng 14 công trình với 10 loại quân đặc chủng chia đều cho bộ binh, không quân và các thầy phù thủy. Tùy theo dân tộc mà bạn chọn, sẽ có những ưu và khuyết điểm riêng của nó. Ví dụ Beast thường thiên về sức mạnh man dại nên có khá nhiều "máu" và sức mạnh vượt trội, ngược lại quân của Fallen có sức khoẻ không cao nhưng có khả năng tự chữa thương, mỗi loại lính có khả năng sử dụng nhiều phép thuật hữu ích. Số lượng lính trong mỗi màn tối đa là 200, và mỗi dân tộc sẽ tăng con số này bằng nhiều cách: xây nhà Farm, chăn nuôi bò mộng hoặc tạo ra các Control Form (dạng biến hình đặc biệt của các phu thuộc phe Fallen).
Đồ họa của ArOE khá tuyệt vì được tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến. Mở màn, bạn sẽ bị cuốn hút bằng những thước phim giới thiệu và chuyển cảnh đầu mỗi chiến dịch đậm chất xi-nê, vô cùng hoành tráng. Bạn sẽ được xem trận chiến Rage long trời lở đất của loài người và quái vật bằng những cảnh phim được đầu tư kỹ lưỡng, hấp dẫn đến ngẹt thở. Đồng thời, khi bước vào trò chơi, mỗi vùng đất là một khung cảnh khác nhau và đều khá đẹp. Cái đẹp đến từ những cánh rừng huyền bí nơi sinh sống của loài tiên, từ những đầm lầy ẩm ướt của chủng tộc thằn lằn Lizardmen hay sa mạc khô cằn và đầy hầm hố của loài sinh vật sống ở hoang mạc phía Tây. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy khả năng vẽ bóng đổ của game rất chi tiết, khớp với bước chân và chuyển động của các đoàn binh, nhất là khi băng ngang qua một con suối, quân lính sẽ đạp lên dòng nước làm lan tỏa những sóng nước trắng xoá trông rất sinh động. Tiếc là khả năng 3D của game bị hạn chế ở điểm không được xoay tròn 360 độ (chỉ được tạm thời giống Warcraft) và tốc độ game bị giảm đi khi phóng to.
Ưu khuyết bù trừ
Thoạt nhìn, game không đem lại ấn tượng gì nhiều, nhưng đừng để cảm xúc đó chi phối bạn. Điểm hay và nổi bật của ArOE thể hiện ở chỗ chiến trường của nó không chỉ diễn ra trên mặt đất mà còn trải rộng xuống dưới lòng đất, mang lại cho bạn nhiều khả năng hoạch định chiến thuật hơn. Tại sao? Trong ArOE có một số loại đơn vị quân đặc biệt như Scorpion của Fallen hay Miner của Human có khả năng đào sâu xuống lòng đất, tạo đường hầm cho quân đội "đóng đô" thay vì phải xây dựng và chiến đấu trên mặt đất đầy hiểm nguy trắc trở (nếu không có những đơn vị đặc biệt này, bạn có thể lợi dụng những hang động rải rác trên bản đồ vì chúng đều thông xuống mặt đất). Nhờ đó, thay vì phải giáp lá cà trên mặt đất làm tổn hao lực lượng, thì bạn có thể tìm đường đi xuống bên dưới căn cứ đối phương và từ đây "chui" lên đánh úp bất ngờ, hoặc dùng phù thủy hoá phép những cơn mưa lửa dưới lòng đất thiêu rụi các tháp canh v.v... Tất nhiên, những gì bạn làm được thì đối phương cũng có thể thực hiện hệt như vậy. Do đó, bạn cần phải hết sức cảnh giác. Nói chung, bằng việc mở rộng chiến trường xuống mặt đất, ArOE đã thay đổi hoàn toàn quan niệm về chiến thuật của bạn trước đây.
Nhìn chung mỗi đơn vị quân trong trò chơi đều có nét đặc trưng riêng, và chắc chắn bạn không thể chỉ dùng một loại quân nào đó để đi chinh phạt được, vì luôn có "khắc tinh" của phe đối phương. Quan trọng là bạn phải biết phân chia quân thật khôn ngoan để chúng có khả năng hỗ trợ lẫn nhau, ví dụ một nhóm quân gọi là "hoàn hảo" phải có sự kết hợp giữa bộ binh đánh giáp lá cà và cung thủ bắn yểm trợ từ sau, bên trên có không quân để đối không và phù thủy để "bơm" máu... Tuy nhiên, game có điểm tệ là cách phân chia tính năng của các phe chưa hợp lý, chẳng hạn một số loại quân có phép thuật rất nguy hiểm và hữu dụng như gọi sét, mưa lửa, tăng tốc độ... trong khi một số khác lại hoàn toàn không có gì nổi trội.
Một đặc điểm gần như không thể thiếu trong những trò chơi chiến thuật là khả năng tích hợp thêm các yếu tố RPG (nhập vai) vào RTS để trở thành một dạng game mới là RPS (Role Playing Strategy - Dàn trận nhập vai) mà Warcraft là trò tiên phong. ArOE cũng được phát triển theo hướng như vậy: sau mỗi trận chiến, nếu tiêu diệt quân đối phương càng nhiều thì điểm kinh nghiệm cũng sẽ tăng theo và nâng cấp bậc của quân lính. Do ArOE không tập trung vào các anh hùng (hero) nên kinh nghiệm thu được từ các trận đánh sẽ chuyển cho các đơn vị lính. Lính cấp càng cao sẽ được tăng thêm sức tấn công, máu và tốc độ ra đòn... Một điều khó hiểu là các hero lại không thấy xuất hiện trong các màn chơi độc lập (Custom Game) mặc dù các anh hùng này có mặt khá thường xuyên trong các chiến dịch. Thậm chí vai trò của hero trong trận chiến cũng không rõ nét lắm, vì các chỉ số của chúng không thể thay đổi được (dù luôn cao hơn các loại quân). Tuy vậy cũng không nên xem thường hero vì chết tướng là Game Over, nên bạn cần thận trọng bảo vệ chúng, đặc biệt nếu chơi ở chế độ Hard.
Đã nói đến ưu điểm không thể không nhắc đến khuyết điểm của ArOE và bạn nên lưu ý điều này khi chơi. Tôi không biết đây có phải là lỗi của game hay do trùng hợp ngẫu nhiên. Có hai trường hợp xảy ra khi chơi các màn chiến dịch. Đầu tiên, khi tôi thử ở chế độ dễ nhất (Easy), lỗi thường thấy là chỉ sau một khoảng thời gian khá ngắn (khoảng 5 - 8 phút), đột nhiên máy tấn công ồ ạt với số lượng thật khủng khiếp khiến người chơi không kịp trở tay. Nếu đã từng chơi qua các game dàn trận ắt hẳn bạn đều biết mức Easy không bao giờ làm khó được bạn, vì "tốc độ" của chúng hầu như "rùa bò", chỉ khi nào đẩy lên mức khó thì máy sẽ "tăng tốc" gấp đôi. Bên cạnh đó, lỗi này không mất đi cho dù bạn đã load lại phần đã save trước đó. Cách duy nhất là phải chơi lại nhiệm vụ này từ đầu. Lỗi còn lại khá nhỏ: thỉnh thoảng game sẽ chậm hẳn lại, bị "giật" hình và bạn phải khởi động lại màn chơi mới có thể khắc phục được!
Cuối cùng, ArOE tuy có đồ họa khá sắc sảo và lôi cuốn nhưng bạn cũng phải dè chừng với yêu cầu khá nặng về mặt cấu hình của nó. Thử nghiệm cụ thể với một máy PIII 1GHz, RAM 512 MB và card đồ họa 128 MB, game tương đối "dễ chịu" với tốc độ từ 20 đến 30 khung hình/giây. Nhưng khi "đụng" phải những trận chiến nảy lửa ngổn ngang binh lính thì tôi phải "méo mặt" khi tốc độ rớt xuống chỉ còn 9, 10 khung hình/giây, gây cảm giác khó chịu do hình ảnh bị giật nhẹ. Cũng may đây là trò dàn trận nên chấp nhận được chứ là game hành động thì "thà đừng chơi còn hơn bị giật". Theo tôi, nếu muốn chơi ArOE ổn định, bạn nên sở hữu một cỗ máy "bèo" nhất cũng phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của trò chơi.
Lời kết
Tuy còn mắc một số khuyết điểm trong cách chơi, cũng như có một số "bug" nhỏ (bạn có thể tải về bản patch để sửa những lỗi này trên các trang web chuyên về game), nhưng những cải tiến đáng giá về mặt đồ họa, về ý tưởng chiến thuật, đã góp phần tạo nên một Armies of Exigo khá hay và lạ.
Minimum Requirement:
Code:
Windows 98/ME/2000/XP Pentium 4 1.5 GHz or better 1.5 GB of HDD Space 64 MB Graphics Card 384 MB of RAM DirectX 9.0c
0 nhận xét:
Post a Comment